Tiểu sử tóm tắt Đức Đại vương Dương Đô
24/02/2023 04:12
Đức Đại vương Dương Đô (không rõ năm sinh, mất ngày 16 tháng 2 năm Bính Thìn), thuộc đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676); quê quán tại làng Thiên Mộ, xã Bàu Lăng, phủ Đức Quang, đạo Nghệ An xưa (nay là xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).
Tiểu sử tóm tắt Đức Đại vương Dương Đô

 

Lăng mộ Đức Đại vương Dương Đô sau 347 năm 

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, có chí học hành và sức khoẻ hơn người, lại có tài văn võ song toàn. Lớn lên ông được huyện và tổng cử làm cai quản tổng Thổ Hoàng, kiêm kiểm soát các tổng Phúc Lộc, Chu Lễ, Quy Hợp (nay thuộc huyện Hương Khê).

Vào những năm đầu và giữa thế kỷ XVII, “giặc núi” ở vùng biên viễn phía tây trên 12 động, sách từ xã Phú Gia giáp dãy Trường Sơn sang tận nước Lào, làm cho Nhân dân địa phương điêu đứng và khổ sở nhiều bề.

Nhà vua biết ông Dương Đô là người có tài thao lược, lại thông hiểu địa bàn nên đã triệu ông về kinh đô Thăng Long, giao cho chức Quản cơ, cấp bằng “Vệ quốc đốc binh”, phong làm Tướng quân. Tướng quân Dương Đô chỉ huy một đội quân được tuyển từ 3 tổng Chu Lễ, Phúc Lộc và Quy Hợp đóng đồn ở xã Trúc Lâm (vùng chợ Trúc -  nay là xã Hà Linh) và ngày đêm luyện tập.

Sau khi quân lính đã thành thạo võ nghệ, kỹ chiến thuật nhà binh, ông dẫn đến vùng biên ải dẹp trừ giặc cỏ ở sông Nại Hà nhằm bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Với tài trí vốn có của mình, cộng thêm kinh nghiệm và am hiểu địa phương khi còn làm tổng quản, ông đã chỉ huy quân lính đánh tan “giặc núi”, tiếp tục nhiệm vụ ngày đêm tuần tra biên giới, quét sạch tàn dư quân giặc, bảo vệ cho Nhân dân yên ổn làm ăn, sinh sống. Nhờ lập được nhiều chiến công xuất sắc, ông đã được triều đình nhà Lê phong tước “Hầu” (Ngọc Khê Hầu); sau đó được phong lên tước Công - một trong những tước vị cao thời Hậu Lê.


Bản phác thảo 3D sau khi trùng tu lăng mộ Đức Đại vương Dương Đô

Trong một lần đưa quân đi tuần tra biên giới ở núi Nhạc Sơn, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia ông bị hổ cắn chết - (đêm 16/2 năm Bính Thìn - 1676). Quân lính hò hét đuổi được hổ dữ và đưa thi hài ông về quê an táng. Trên đường về đến xã Phúc Đồng, trời đã xế chiều, thi hài ông đặt tại đây để sáng mai tiếp tục lên đường. Đêm đó thi hài ông bị mối vùi cao, cho đó là điềm “thiên táng” nên quân lính táng ông tại đó.

Được tin ông mất, nhà Vua rất lấy làm thương tiếc, ban sắc phong tặng chức tước và cho phép Nhân dân thôn Phú Lâm, xã Phú Gia lập đền thờ Ngàn Trụ. Để tưởng nhớ, ghi công của ông, Nhân dân các xã Phú Gia, Hương Long, Hương Bình đã lập đền thờ ông. Hiện nay trên địa bàn huyện Hương Khê đang có 4 đền thờ vị thần “Đô đô thống chế tổng quản Ngọc Khê Hầu” gồm: đền Ngàn Trụ ở xã Phú Gia, đền Khe Trẹ ở xã Phú Gia, đền Phúc Ấm ở xã Hương Long và đền Nhà Rồng ở xã Hương Bình.

Riêng tại xã Hương Long, các triều vua nhà Nguyễn, từ Tự Đức đến Khải Định đều ban sắc phong tôn ông làm Thành Hoàng làng Phúc Ấm (hiện nay các sắc phong này đang được lưu giữ, bảo quản tại nhà cố đạo ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê).

Phần mộ của ông an táng tại xã Phúc Đồng, được Nhân dân và hậu duệ dòng họ Dương thờ phụng. Hằng năm cứ đến ngày 16/2 âm lịch, chính quyền và Nhân dân xã Phú Gia và các xã trong huyện long trọng tổ chức lễ hội rước sắc phong thần, tưởng nhớ đến võ tướng lập nhiều chiến công giúp dân, cứu nước. Sau phần lễ đến phần hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, làng xã.

Tác giả: Cao Viết Cường