Khởi công tu bổ lăng mộ, đền thờ Đức Đại vương Dương Đô
11/03/2023 04:50
Sáng 11/3, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) phối hợp với Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam tổ chức Lễ khởi công, động thổ xây dựng, tu bổ lăng mộ và đền thờ Đức Đại Vương Dương Đô - vị tướng có công dẹp “giặc núi” bảo vệ Tổ quốc, Ước tính tổng trị giá trên 30 tỷ đồng do Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam Hà Tĩnh tài trợ.
Khởi công tu bổ lăng mộ, đền thờ Đức Đại vương Dương Đô

  Video tổng thể buổi lễ động thổ khởi công xây dựng lăng và đền Đức Đại vương Dương Đô

 Các đại biểu về tham dự lễ động thổ

Về dự lễ khởi công có đồng chí Nguyễn Thanh Bình Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh; đồng chí Trần Báu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các ban, sở, ngành cấp tỉnh. Lãnh đạo huyện có đồng chí Nguyễn Thanh Điện, TUV, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Trần Quốc Bảo, UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Trọng Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam; đại diện dòng tộc họ Dương và đông đảo bà con Nhân dân địa phương.

 Đồng chí Trần Quốc Bảo, UV BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo thông tin về Đức Đại Vương Dương Đô, quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng Lăng mộ và Đền Thờ...

Đức Đại vương Dương Đô (không rõ năm sinh, mất ngày 16 tháng 2 năm Bính Thìn), thuộc đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676); quê quán tại làng Thiên Mộ, xã Bàu Lăng, phủ Đức Quang, đạo Nghệ An xưa (nay là xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh).

Thuở nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, có chí học hành và sức khoẻ hơn người, lại có tài văn võ song toàn. Lớn lên ông được huyện và tổng cử làm cai quản tổng Thổ Hoàng, kiêm kiểm soát các tổng Phúc Lộc, Chu Lễ, Quy Hợp (nay thuộc huyện Hương Khê).

Vào những năm đầu và giữa thế kỷ XVII, “giặc núi” ở vùng biên viễn phía tây trên 12 động, sách từ xã Phú Gia giáp dãy Trường Sơn sang tận nước Lào, làm cho Nhân dân địa phương điêu đứng và khổ sở nhiều bề.

Nhà vua biết ông Dương Đô là người có tài thao lược, lại thông hiểu địa bàn nên đã triệu ông về kinh đô Thăng Long, giao cho chức Quản cơ, cấp bằng “Vệ quốc đốc binh”, phong làm Tướng quân. Tướng quân Dương Đô chỉ huy một đội quân được tuyển từ 3 tổng Chu Lễ, Phúc Lộc và Quy Hợp đóng đồn ở xã Trúc Lâm (vùng chợ Trúc -  nay là xã Hà Linh) và ngày đêm luyện tập.

Sau khi quân lính đã thành thạo võ nghệ, kỹ chiến thuật nhà binh, ông dẫn đến vùng biên ải dẹp trừ giặc cỏ ở sông Nại Hà nhằm bảo toàn lãnh thổ thiêng liêng nơi biên cương Tổ quốc. Với tài trí vốn có của mình, cộng thêm kinh nghiệm và am hiểu địa phương khi còn làm tổng quản, ông đã chỉ huy quân lính đánh tan “giặc núi”, tiếp tục nhiệm vụ ngày đêm tuần tra biên giới, quét sạch tàn dư quân giặc, bảo vệ cho Nhân dân yên ổn làm ăn, sinh sống. Nhờ lập được nhiều chiến công xuất sắc, ông đã được triều đình nhà Lê phong tước “Hầu” (Ngọc Khê Hầu); sau đó được phong lên tước Công - một trong những tước vị cao thời Hậu Lê.

Trong một lần đưa quân đi tuần tra biên giới ở núi Nhạc Sơn, thôn Phú Lâm, xã Phú Gia ông bị hổ cắn chết - (đêm 16/2 năm Bính Thìn - 1676). Quân lính hò hét đuổi được hổ dữ và đưa thi hài ông về quê an táng. Trên đường về đến xã Phúc Đồng, trời đã xế chiều, thi hài ông đặt tại đây để sáng mai tiếp tục lên đường. Đêm đó thi hài ông bị mối vùi cao, cho đó là điềm “thiên táng” nên quân lính táng ông tại đó.

Được tin ông mất, nhà Vua rất lấy làm thương tiếc, ban sắc phong tặng chức tước và cho phép Nhân dân thôn Phú Lâm, xã Phú Gia lập đền thờ Ngàn Trụ. Để tưởng nhớ, ghi công của ông, Nhân dân các xã Phú Gia, Hương Long, Hương Bình đã lập đền thờ ông. Hiện nay trên địa bàn huyện Hương Khê đang có 4 đền thờ vị thần “Đô đô thống chế tổng quản Ngọc Khê Hầu” gồm: đền Ngàn Trụ ở xã Phú Gia, đền Khe Trẹ ở xã Phú Gia, đền Phúc Ấm ở xã Hương Long và đền Nhà Rồng ở xã Hương Bình.


 Đồng chí Võ Văn Lễ, Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã phát biểu 

Riêng tại xã Hương Long, các triều vua nhà Nguyễn, từ Tự Đức đến Khải Định đều ban sắc phong tôn ông làm Thành Hoàng làng Phúc Ấm (hiện nay các sắc phong này đang được lưu giữ, bảo quản tại nhà cố đạo ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê).

Phần mộ của ông an táng tại xã Phúc Đồng, được Nhân dân và hậu duệ dòng họ Dương thờ phụng. Hằng năm cứ đến ngày 16/2 âm lịch, chính quyền và Nhân dân xã Phú Gia và các xã trong huyện long trọng tổ chức lễ hội rước sắc phong thần, tưởng nhớ đến võ tướng lập nhiều chiến công giúp dân, cứu nước. Sau phần lễ đến phần hội với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, làng xã.


 Lăng mộ Đức Dại vương Dương Đô sau 347 năm

Do lịch sử, chiến tranh và thời gian, đền trong và đền ngoài đã bị huỷ hoại, hiện nay chỉ còn ngôi mộ có dòng chữ phía trước “Vạn Cổ Anh Linh” nghĩa là: ”Ngàn năm linh thiêng” và giếng nước.


 Chủ đầu tư ông Nguyễn Trọng Ngọc, Tổng giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam Nguyễn Trọng Ngọc mong muốn:  sau khi hoàn thành, đây sẽ trở thành công trình văn hóa tâm linh, cùng với những di tích trên địa bàn huyện Hương Khê sẽ là quần thể những địa danh mang dấu ấn lịch sử, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, tạo tiền đề để phát triển du lịch tâm linh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần cho người dân địa phương.

 Các đại biểu làm lễ động thổ nghi thức..

Để tiếp tục ghi nhớ công lao, tài năng của Tướng quân Dương Đô, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đã đồng ý chủ trương cho cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Phúc Đồng lập hồ sơ xây dựng đền và huy động các nguồn lực xã hội hóa để thực hiện.


Các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công công trình.

Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam và các công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và bà con Nhân dân đã chung tay, cung tiến thực hiện việc xây dựng, tu bổ lăng mộ và đền thờ Đức Đại vương Dương Đô. Trong đó, Công ty TNHH Xăng dầu Giang Nam đã có chủ trương đầu tư toàn bộ kinh phí với tổng nguồn vốn dự tính khoảng 30 tỷ đồng. Trước mắt, trong năm 2023 sẽ tiến hành tu bổ, tôn tạo và nâng cấp hạng mục lăng mộ với dự toán 3,8 tỷ đồng.


 ảnh 3D giai đoạn 1 trùng tu Lăng mộ Đức Đại vương 

Việc triển khai xây dựng được thực hiện theo 2 giai đoạn, trên diện tích đất 5.666,8 m2. Giai đoạn 1 xây dựng khu lăng mộ trên diện tích 1.696 m2; giai đoạn 2 xây dựng khu đền thờ trên diện tích 3.970,8 m2.


Tại buổi lễ, các đại biểu về dự đã cùng dâng hương làm lễ, cầu cho quốc thái, dân an và mong muốn công trình được đầu tư xây dựng, tu bổ đảm bảo theo thiết kế, sớm hoàn thành, đáp ứng nguyện vọng nhân dân trong đời sống văn hóa tâm linh; đồng thời giáo dục truyền thống, về lịch sử, con người và mảnh đất quê hương cho các thế hệ.

Tác giả: Cao Viết Cường